5 câu nói khiến trẻ mất tự tin
- Posted by CleverlearnVietnam
- Categories ĐỒNG HÀNH CÙNG CON
- Date 20/08/2020
Nói “Con lại mắc sai lầm” hay “Việc này quá dễ dàng” làm trẻ nhụt chí, mất niềm tin vào bản thân từ đó trở thành người nhút nhát, hay lo sợ.
Trang Golden Post chỉ ra năm câu nói có thể khiến trẻ tự tin.
1. Con lại mắc sai lầm
Việc con liên tục mắc sai lầm có thể khiến bố mẹ thất vọng. “Con lại mắc sai lầm” là câu cằn nhằn quen thuộc của phụ huynh nhưng nó ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Các bé sẽ hiểu rằng việc mắc sai lầm là chuyện đáng xấu hổ, đáng bị ghét bỏ. Từ đó, các em không dám thể hiện ý kiến hoặc hành động của mình vì sợ làm sai, bị trách phạt trong khi ngược lại sai lầm là cách giúp trẻ học hỏi và thành công.
Khi con mắc sai lầm, bố mẹ nên chỉ ra điểm sai, khuyến khích con thử lại hoặc cùng con thảo luận về biện pháp giải quyết. Nếu con lặp lại sai lầm, bạn có thể áp dụng các biện pháp kỷ luật cứng rắn.
2. Để bố mẹ làm thay con
Những hành động quan tâm quá mức của bố mẹ vô tình khiến trẻ mất tự tin, trở nên ỷ lại, nhút nhát. Bởi nếu không được tự thử sức mình, thất bại và nỗ lực làm lại, trẻ không biết giới hạn và khả năng của mình, từ đó thiếu tự tin về bản thân.
Khi trẻ đứng trước khó khăn hoặc thách thức, bố mẹ nên kiên nhẫn đợi con thử sức mình. Nếu quá khó, bạn có thể giúp bằng cách cho lời khuyên, lời gợi ý nhưng không nên làm thay.
Ví dụ trong việc làm bài tập về nhà, phụ huynh không nên làm hộ con bài khó mà hãy khuyến khích con suy nghĩ. Khi không thể suy nghĩ được, bạn có thể gợi ý cách giải và yêu cầu con tự làm lại theo cách hiểu của mình hoặc ghi chú lại để hỏi giáo viên.
3. Việc này quá dễ dàng
Khi bạn yêu cầu làm việc bất kỳ như tập đi xe đạp, tập bơi, nhưng trẻ không thành thạo, đừng nói rằng việc này quá dễ dàng. Câu nói này có thể đánh vào lòng tự trọng, ám chỉ rằng các bé thiếu kỹ năng, không thể làm được những việc đơn giản nhất. Nó sẽ khiến trẻ nhụt chí, lay chuyển quyết tâm hoàn thành mục tiêu và luôn e ngại trước thử thách.
Mỗi đứa trẻ có cách tiếp thu khác nhau cho những vấn đề khác nhau. Ví dụ, trẻ yêu khoa học có thể dễ dàng tiếp thu bài giảng môn Toán, Lý, Hóa, nhưng khó khăn khi học Văn. Vì vậy, bố mẹ nên kiên nhẫn hướng dẫn con cái.
Khi trẻ đạt thành tích, hãy khen ngợi sự cố gắng, nỗ lực để khuyến khích các em nỗ lực hơn. Những lời khen còn giúp trẻ nhận ra năng lực của bản thân và tự tin vào chúng.
4. Sao con không giống các bạn?
So sánh luôn khiến trẻ tự ti về bản thân. Nhiều em sẽ nảy sinh cảm giác ghen tị với bạn bè khi liên tục bị cho là lép vế hơn hoặc tức giận với cha mẹ. Các bé cũng sẽ tự nghi ngờ về năng lực của bản thân và cố ganh đua để vượt qua bạn bè.
Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh, yếu khác nhau nên phụ huynh không nên so sánh. Thay vào đó, bạn hãy tìm ra điểm mạnh, yếu của con để khắc phục hoặc phát huy. Hãy dành thời gian so sánh con với bạn bè để giúp các bé trở nên tốt hơn.
5. Con không làm gì nên hồn
Phủ nhận khả năng đồng nghĩa với việc khuyến khích trẻ bỏ cuộc trước khi bắt đầu. Những đứa trẻ bị cha mẹ nói như vậy thường suy nghĩ rằng “không việc gì phải cố gắng vì có cố cũng không thể làm nên trò trống gì”. Cách tư duy này bào mòn sự tự tin của trẻ, biến các em thành người lười biếng, nhút nhát.
Khi trẻ thất bại, phụ huynh hãy khuyến khích con thử lại. Nếu các bé quá áp lực trước mục đích thành công, bạn đừng ép buộc con tiếp tục, hãy phân tán sự chú ý của con sang các hoạt động khác để trẻ thư giãn. Cuối cùng, hãy luôn nhắc trẻ nhớ rằng trẻ có tiềm năng vô hạn để vượt qua khó khăn, chỉ cần tin vào bản thân.
(VNexpress)
You may also like
-
Cách làm bạn với con ở tuổi thiếu niên
23 Tháng Mười Một, 2020 -
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: lời chúc bằng tiếng Anh ý nghĩa nhất
16 Tháng Mười Một, 2020 -
5 cách cai nghiện thiết bị điện tử cho trẻ
24 Tháng Tám, 2020