Những nhà văn lớn cũng bỏ qua ngữ pháp
Các cây viết kinh điển nước Anh, Mỹ hay Ireland cũng nhiều lần phá vỡ quy tắc ngữ pháp trong tác phẩm của mình.
Quy tắc ngữ pháp cứng nhắc có thể trở thành rào cản trong diễn đạt. Vì vậy, nhiều tác giả nổi tiếng từng chọn việc bỏ qua để văn phong được sắc nét, sinh động hơn. Tất nhiên, những trường hợp này là số ít và chỉ góp phần tạo điểm nhấn trong một tác phẩm. Bạn vẫn không thể xem thường ngữ pháp khi học tiếng Anh.
Dưới đây là ví dụ về 4 trường hợp mà những tác giả nổi tiếng thế giới đã không tuân theo quy tắc ngữ pháp:
Không hòa hợp chủ ngữ và động từ
Shel Silverstein là nhà thơ, tác giả viết cho trẻ em, tác giả truyện tranh của nước Mỹ, người từng bán được hơn 20 triệu bản các tác phẩm của mình. Ông từng bỏ qua quy tắc sự hòa hợp chủ ngữ – động từ (subject-verb agreement) trong một đoạn của bài thơ Crowded Tub (Chiếc bồn tắm nhiều người)
There’s too many kids in this tub
There’s too many elbows to scrub
Có quá nhiều đứa trẻ trong chiếc bồn tắm
Có quá nhiều khuỷu tay cần được chà xát
Việc dùng “there’s” thay cho “there’re” dù các danh từ “kids”, “elbows” ở sau đều ở dạng số nhiều khiến bài thơ trở nên bình dị, gần gũi hơn, từ đó góp phần minh họa một chiếc bồn tắm đầy trẻ em, lúc nhúc tay chân nhô ra khỏi đó.
Viết câu dài lê thê
Tác phẩm Ulysses làm nên tên tuổi của nhà văn James Joyce có một đoạn kinh điển – chương 18 mang tên Penelope với phần độc thoại dài 24.048 từ được ngăn cách chỉ bởi hai dấu phẩy và một dấu chấm. Dưới đây là phần cuối của chương:
“…yes because the day before yesterday he was scribbling something a letter when I came into the front room for the matches to show him Dignams death in the paper as if something told me and he covered it up with the blotting paper pretending to be thinking about business so very probably that was it to somebody who thinks she has a softy in him because all men get a bit like that at his age…”
Người đọc cảm thấy mệt mỏi để theo kịp toàn bộ câu văn bởi có quá nhiều mệnh đề nối bởi các liên từ “and”, “so”. Nhẽ ra, những mệnh đề này có thể được tách thành nhiều câu nhỏ với các dấu chấm.
Tuy nhiên, nếu chúng ta thay đổi lại tác phẩm, bỏ liên từ và tách thành những câu nhỏ, dòng suy nghĩ miên man của nhân vật sẽ phần nào bị ngắt quãng, không giữ được giọng điệu như ban đầu nữa.
Dùng phủ định kép
Jane Austen – nữ văn sĩ người Anh với tác phẩm nổi tiếng Kiêu hãnh và định kiến đã dùng câu văn phủ định kép để thể hiện tính cách kiêu căng, tự phụ của nhân vật. Trong cuốn tiểu thuyết Emma, bà từng viết “I don’t not want to go” dù điều nhân vật thực sự muốn nói là “I want to go” (Tôi muốn được đi).
Dùng ‘they’ cho số ít
Jane Austen còn từng 75 lần dùng “they”, “them” và “their” khi nhắc đến một nhân vật trong các tiểu thuyết của mình. Chẳng hạn như, trong Emma, bà viết “At Christmas every body invites their friends about them, and people think little of even the worst weather” (“their” nên được thay thế bằng “his”, “her”). Cách diễn đạt có chủ định này được cho là góp phần thể hiện sự mập mờ, chung chung so với “his” hay “her”.
(Sưu tầm)
Tag:lỗi ngữ pháp, ngữ pháp, nhà văn