Đừng bao giờ ép con ăn!
Nếu bạn biết rằng những việc làm hàng ngày của mình để lại những hậu quả như thế này, chắc chắn sẽ không bố mẹ nào còn dám ép con ăn nữa.
Ép con ăn là chuyện khá phổ biến trong các gia đình Việt. Vì lo cho con, sợ con còi cọc, ốm yếu, sợ con đói… người lớn thường hay ép con ăn mà không tôn trọng lựa chọn của trẻ trong chuyện ăn uống. Ngoài ra, hành động ép con ăn còn xuất phát từ một nhu cầu khác của người lớn: tiện hơn, đỡ tốn thời gian và công sức dọn dẹp hơn, so với việc cho trẻ tự tập nhai, ăn, và tự đút ăn.
Tuy nhiên, về mặt sinh lý, việc ép con ăn, và sử dụng các biện pháp “vui chơi” để lừa con ăn, như xem ti vi, iphone, ipad, dẫn đi công viên, long nhong ngoài phố…., lại rất bất thường. Trẻ trong trường hợp bị cho ăn như thế này sẽ không nhận thức được đây là thời điểm để tập trung ăn, không có thời gian để cảm nhận mùi vị, màu sắc, không được nếm, và thưởng thức thức ăn trong vui vẻ, cũng như vận dụng những hoạt động nhai, nuốt một cách thoải mái và khoa học!
Khi nuôi con, bố mẹ Việt hay tự giả định rất nhiều điều, và cho mình có quyền luận suy tất cả về con mà không quan tâm “thân chủ” nghĩ gì. “Chắc là nó thích”, “Chắc là nó không làm được đâu”, “Chắc là sẽ ăn ít lắm”, “Chắc là….”, rồi sợ này sợ kia, không tôn trọng ý muốn của trẻ. Lý do bé còn quá nhỏ để giao tiếp và thực hiện hoạt động ăn uống luôn luôn được đưa ra, nhưng lý do này hoàn toàn sai lầm.
Trẻ nhỏ từ lúc sinh ra đã có nhận thức về nguy hiểm, sống còn, trong đó nhu cầu được cho ăn và được no là một nhu cầu thiết yếu và không trẻ nào bỏ qua. Đói – đòi ăn là một phản xạ sống còn tối thiểu. Nếu ba mẹ ông bà chịu khó tìm hiểu bé, bé sẽ đưa ra những dấu hiệu cho ông bà ba mẹ thấy việc bé đói hay không, thích hay không thích, đủ hay chưa đủ, ngán hay không ngán, bằng vẻ mặt, tiếng u ơ – hét, và hành động (gạt/đẩy muỗng ra khỏi miệng…). Những thông tin này rất rõ ràng và dứt khoát, vấn đề còn lại chỉ là ông bà, cha mẹ có tôn trọng “ý kiến cá nhân” của trẻ hay quyết định làm lơ đi mà thôi.
Việc ép con ăn, thực chất, lại có thể tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức của bố mẹ, ông bà về sau, trong thì tương lai, bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý và sự phát triển hệ thống các cơ quan của trẻ.
Dưới đây là những hệ lụy khôn lường của việc ép con ăn mà bác sĩ Nhi khoa Trần Thị Huyên Thảo, hiện đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh đã liệt kê, theo chứng minh của các nghiên cứu khoa học:
- Nguy cơ bị tăng cân béo phì
Với những trẻ ép ăn thành công, trẻ dễ bị tăng cân quá nhiều gây ra những hệ lụy sức khỏe, tâm sinh lý lâu dài. Trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ cao trở thành những người lớn thừa cân, béo phì, đi kèm là nguy cơ phát triển sớm các bệnh mãn tính, nguy hiểm như suyễn, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, tiểu đường, và các rối loạn nội tiết. Đồng thời các trẻ này thường dễ bị tự ti về vẻ bề ngoài của mình, và gặp các khó khăn trong vấn đề hòa đồng ở trường và ngoài xã hội.
- Trẻ sẽ bị sang chấn tâm lý
Vì lúc nào trẻ cũng có khoảng thời gian không vui vẻ và mệt mỏi chống lại việc cho ăn dưới nhiều hình thức: la, khóc, đẩy muỗng/chén đựng đồ ăn, chạy trốn, hoặc phải chịu tâm lý “nhân nhượng bị động” khi buông xuôi, chấp nhận bị đút ăn.
Khi việc cho ăn không mong muốn kéo dài, trẻ sẽ ghi nhớ thời điểm cho ăn là thời điểm đáng ghét, không vui vẻ, và sẽ trở nên chán ghét thức ăn. Vì vậy, trẻ nhỏ bị ép ăn khi lớn lên thường không thích ăn và không thèm ăn. Lúc này, ba mẹ, ông bà lại bồng bế trẻ đi khám bác sĩ, hoặc cho trẻ uống hàng đống multivitamine cho bản thân mình đỡ lo.
- Quan hệ gia đình trở nên căng thẳng, tăng nguy cơ bạo lực về lời nói và hành vi đối với trẻ
Việc đánh vật với trẻ để cho trẻ ăn, theo nghiên cứu, sẽ tệ hơn theo thời gian, nếu người lớn không tự nhận ra và dừng lại. Người lớn chăm sóc trẻ có thể bị rơi vào vòng luẩn quẩn: trẻ không thích ăn – đánh vật cho ăn – trẻ càng không thích ăn hơn, càng chống đối hơn – càng đánh vật ép ăn hơn, càng ráng cho ăn nhiều hơn, càng “bạo lực” hơn. Và vì vậy, mối quan hệ gia đình sẽ trở nên căng thẳng, và sẽ có thể đưa đến những hệ lụy không cần thiết, như la mắng, đánh đập trẻ để đạt được mục tiêu ăn uống.
- Trẻ dễ gặp vấn đề về răng miệng, tiêu hóa
Khi bị ép ăn, trẻ có tâm lý chỉ muốn “nuốt cho trôi”, hệ răng miệng của trẻ tự nhiên “thừa mứa” vì không được sử dụng. Cơ hàm cũng không được sử dụng để nhai, nên không phát triển được, vì thế về sau có thể trẻ sẽ gặp phải những vấn đề về răng miệng đặc biệt, và dễ bị nôn ọe khi ăn những thức ăn cứng hơn vì đã quen “nuốt trôi” những gì được đưa vào miệng. Sự nôn ọe thường xuyên cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ về sau.
Khi càng bị ép ăn trẻ lại càng không chịu ăn nên thường được ba mẹ cho uống sữa công thức bù lại. Việc này càng làm cho trẻ giảm cảm giác thèm ăn, thậm chí là không cần ăn (vì đã có sữa rồi). Những trẻ được cho bú sữa bình quá lâu có thể bị sâu, mòn răng, làm cho trẻ đau khi nhai thức ăn cứng và vì vậy không thích nhai, và rơi vào một vòng luẩn quẩn như trên.
Vì vậy, trước khi ép con ăn, các bậc cha mẹ nên tự hỏi lại chính mình, mục tiêu nuôi con của mình là gì? Nếu bạn muốn con trẻ phát triển thành một đứa trẻ vui vẻ, tự lập, biết thưởng thức việc ăn uống, biết mình muốn gì và cần gì, nên tránh bước chân vào vòng cung ép ăn luẩn quẩn, và nếu có, nên chấm dứt ngay việc ép con ăn.
Tôn trọng trẻ em, và khuyến khích một thói quen ăn uống lành mạnh, biết nhai và thưởng thức thức ăn, là một điều rất quan trọng nên hướng tới.
(Theo Trí Thức Trẻ)
Tag:dạy con trẻ, làm cha mẹ