Giáo dục con từ bụng mẹ có tạo nên thần đồng?
]Theo thạc sĩ Lưu Minh Hường, nếu cha mẹ lầm tưởng giáo dục sớm là cách tạo thần đồng sẽ gây ra sức ép, tác hại ngược với trẻ nhỏ.
Thời gian gần đây, giáo dục sớm là xu hướng được nhiều cha mẹ quan tâm. Một số trường mầm non, tiểu học đã áp dụng phương pháp này với giáo trình cụ thể. Có phụ huynh dành thời gian tìm hiểu qua sách báo, Internet sau đó lựa chọn cách tốt nhất giáo dục con.
Học cùng con
Nói đến phương pháp giáo dục sớm, chị Phan Hồ Điệp – mẹ cậu bé thường được gọi là thần đồng Đỗ Nhật Nam – đã chia sẻ trên Facebook những bài học từ trải nghiệm nuôi dạy con của mình, nhận được sự quan tâm của nhiều người. Đỗ Nhật Nam được sinh ra tại Nhật. Bốn tuổi, em trở về sinh sống cùng gia đình ở Việt Nam. Mẹ Nhật Nam đã tìm hiểu rất nhiều sách và quyết tâm áp dụng phương pháp nuôi dạy con kiểu Nhật.
Khi mang bầu, chị Điệp áp dụng những bài học về thai giáo bằng âm nhạc, kể chuyện. Chị cũng sử dụng phương pháp giáo dục Montessori (tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc học qua cảm giác).
Chị dạy con từ lúc 10 tháng tuổi – giai đoạn tiền tập nói. Người mẹ chia sẻ: Lúc này, Nam bắt đầu bập bẹ nhưng chỉ một thời gian rất ngắn rồi dừng lại luôn. Chị Điệp gọi đó là giai đoạn của “anh hùng thầm lặng”, bởi cái gì cũng biết, nói cái gì cũng hiểu, chỉ nhất định không chịu nói.
Để kích thích khả năng nói của con, người mẹ này thực hiện nhiều hoạt động. Chị mua các cuốn sách có hình hấp dẫn, dạy con theo thời gian biểu. Con được ngồi trong lòng hoặc đối diện với mẹ để có thể nhìn thấy khẩu hình của mẹ.
Tiếp đến, giai đoạn 2-3 tuổi có thể coi là bước tiến vượt bậc trong phát triển ngôn ngữ của trẻ. Chị thường xuyên diễn kịch, xem phim, ghi nhật ký cùng con, gọi tên đồ vật gắn liền chức năng, dạy bé về những tính từ, giao tiếp.
Lớn thêm một chút, người mẹ này chú trọng dạy con theo phương pháp tích hợp, mỗi ngày dạy Nam 15 phút về các môn Toán, Khoa học, Tiếng Việt.
Trước khi vào lớp 1, chị Điệp hướng dẫn “thần đồng” cách quan sát, khả năng tập trung, ngồi học đúng tư thế, chơi với những con chữ, cách cảm nhận. Đặc biệt, khâu chuẩn bị tâm lý trước khi đến trường cho con rất quan trọng. Mẹ cùng con thường chơi những trò về lớp học như cô giáo – học sinh.
Một trường hợp khác là bé Phạm Bảo Long và Phạm Khánh Long (2 tuổi, sinh năm 2013) tại Hà Nội được phụ huynh áp dụng phương pháp giáo dục sớm từ khi trong bụng mẹ. Hiện tại, cặp song sinh có khả năng nhận mặt chữ, phát âm tiếng Việt và tiếng Anh, nhận biết cờ của các nước, làm toán.
Lên một tuổi, Bảo Long và Khánh Long theo học tại trường mầm non về giáo dục sớm. Thạc sĩ Lưu Minh Hường – Viện phó Viện nghiên cứu Giáo dục Trẻ thông minh sớm VSK đã theo sát sự phát triển của cặp song sinh trên. Bà cho biết: Đây là trường hợp tiêu biểu của phương pháp này khi các em đã có sự phát triển về thể chất, trí tuệ tốt.
Một ngày tại trường tiểu học của Bảo Long và Khánh Long có các phần như: Hoạt động ngôn ngữ, âm nhạc, khoa học, mỹ thuật, yoga, tiếng Anh. Trong đó, các bé được giao lưu với giáo viên bản địa thông qua trò chơi, bài hát và nhiều hoạt động hứng thú để tạo điều kiện nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Giờ ngôn ngữ, những em nhỏ được làm quen và chơi cùng chữ rất vui nhộn.
Giáo dục sớm không có mục đích tạo thần đồng
Thạc sĩ Minh Hường phân tích: “Trước 3 tuổi, bộ não của trẻ có nhiều kết nối thần kinh. Thời gian sau, kết nối nào được nuôi dưỡng sẽ được giữ lại, phần còn lại bị loại bỏ dần. Đến 15 tuổi, các kết nối thần kinh giảm một nửa so với trước 6 tuổi. Vì vậy, từ 0-6 tuổi được coi là giai đoạn vàng để tạo năng lực tốt nhất cho trẻ”.
Bà Minh Hường cũng đánh giá, giáo dục sớm không phải cách tạo nên thần đồng. Trẻ biết đọc, làm toán sớm là hệ quả tất yếu của giáo dục sớm. Nếu cha mẹ lầm tưởng đây là cách tạo nên sự vượt trội của con sẽ vô tình tạo sức ép, gây hậu quả ngược với các bé.
Trường hợp Đỗ Nhật Nam cũng vậy. Điều khiến Nhật Nam được mọi người yêu quý là luôn trau dồi để phát triển năng lực của bản thân. 14 tuổi, em tự lập cuộc sống khi du học tại Mỹ, đạt nhiều thành tích. Điều đó cho thấy, phía sau của giai đoạn “giáo dục sớm” cần những nỗ lực liên tục ở các giai đoạn tiếp theo mới có thể thành công.
Vì vậy, theo Viện phó Lưu Minh Hường, giáo dục sớm không khẳng định mọi bé thực hiện phương pháp này đều thành công và vượt trội. Đây là cách phát huy tối ưu tiềm năng của con người trong giai đoạn đầu đời, là bước đệm tốt cho tương lai.
Những nguyên tắc của giáo dục sớm
Tuy còn mới mẻ nhưng đã có nhiều trường phái giáo dục sớm của nước ngoài đã được người Việt học hỏi như Phương án 0 tuổi (Trung Quốc); Montesorri (Italia); Shichida (Nhật Bản)…
Cha mẹ nên tìm hiểu và lựa chọn cách giáo dục tốt nhất. “Tuy nhiên, điều quan trọng là tình yêu thương và sự tương tác của cha mẹ để giáo dục con tốt”, thạc sĩ Hường nói.
Luôn khích lệ động viên con, không ép buộc, đe dọa con, không kiểm tra, luôn dừng lại nếu con muốn.
Giáo dục sớm không có nghĩa tiểu học hóa (dạy dập khuôn trước chương trình), không quý tộc hóa (dạy con trải nghiệm không sợ bẩn, thái độ sẵn sàng đón nhận sự khác biệt trong xã hội, chung tay giúp đỡ người nghèo khó)…
(Theo Zing)